Làm ao nuôi cá tra thương phẩm sao cho chất lượng?

anh-dai-dien-ao-nuoi-ca-tra

Hiện nay, nuôi cá tra thương phẩm trong ao đã phát triển các hình thức nuôi thâm canh mang tính công nghiệp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu, ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng của sản phẩm cá tra. Do vậy, người nuôi cũng phải cải tiến kỹ thuật nuôi để có được sản phẩm cá tra đạt chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Vậy làm sao để có thể chuẩn bị được một ao nuôi cá tra thực sự chất lượng?

ao-nuoi-ca-tra

MÙA VỤ NUÔI

Trước khi nói về việc chuẩn bị ao nuôi, ta hãy cùng điểm qua một chút về vụ mùa nuôi cá tra. Mùa vụ nuôi cá tra thương phẩm tùy thuộc vào khí hậu ở từng vùng. Với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, do khí hậu ấm áp quanh năm nên có thể nuôi quanh năm. Khí hậu ở các tỉnh miền Bắc thường lạnh, nhất là vào mùa đông. Do đó cần bắt đầu mùa vụ nuôi sớm, khoảng tháng 2 – 3 để đến tháng 10 – 11 là có thể thu hoạch cá.

CÁC LOẠI AO NUÔI CÁ TRA THƯƠNG PHẨM

Hiện nay, người ta thường sử dụng một số loại hình nuôi cá tra thương phẩm trong ao như sau:

– Nuôi trong ao nhỏ.

– Nuôi trong ao thay nước liên tục.

– Nuôi trong ao ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh để sục khí.

– Nuôi ao đăng quần: nghĩa là dùng đăng bằng tre, gỗ hoặc lưới inox, chắn một vùng ngập nước ven sông hoặc vùng ngập lũ để thả cá nuôi. Hình thức này thường được áp dụng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

CHỌN AO NUÔI

– Chọn ao nuôi có diện tích phù hợp. Thông thường, cá tra được nuôi trong ao hình chữ nhật, diện tích từ 500m2 trở lên, độ sâu mực nước khoảng 2,5 – 3m.

– Ao nuôi phải có cống cấp, thoát nước dễ dàng. Cống cấp nước nên đặt cao hơn đáy ao, cống thoát nước nên đặt phía bờ ao thấp nhất để dễ tháo cạn nước. Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm để không bị ngập vào mùa nước lớn. Đáy ao bằng phẳng và hơi nghiêng về phía cống thoát nước.

– Ao cá nên gần nguồn nước như sông, kênh, mương để có nguồn nước chủ động. Nguồn nước cấp cho ao phải nằm xa các cống nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp để tránh nước bị ô nhiễm. Ao phải thoáng, không có bóng cây che khuất.  

Tiêu chuẩn môi trường ao thích hợp:

+ Nhiệt độ nước: 26 – 30°C.

+ Độ pH: 7 – 8.  

+ Hàm lượng oxy hòa tan: trên 3mg/l.

CẢI TẠO AO NUÔI

Trước khi thả cá, phải tiến hành cải tạo ao theo quy trình sau:

– Xả cạn nước ao, bắt hết cá, lấp mọi hang hốc, thu gom, dọn sạch rác, rong rêu dưới ao. Nạo vét bùn đáy ao, chỉ để lại một lớp bùn dày từ 0,2m – 0,3m. Tu sửa cống rãnh, bờ ao và mái ao.

– Dùng vôi sống (CaO) hoặc vôi tôi ( Ca(OH)2) rải khắp đáy ao và cả trên bờ ao để diệt tạp và loại trừ mầm bệnh, liều lượng 10 – 15kg/100m2 ao. Ngoài ra, có thể dùng dây thuốc cá hoặc Saponin để diệt tạp. Với dây thuốc cá thì dùng với liều lượng 1,5 – 2kg/1000m2 ao; với Saponin thì tùy theo hướng dẫn của mỗi nhà sản xuất, nhưng thông thường dùng với liều lượng 1,5 – 2kg/1000m2 ao.

Đối với ao ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh thì phải sục khí đáy ao hoặc quạt nước

LẤY NƯỚC VÀ GÂY MÀU NƯỚC

– Sau khi phơi nắng ao, tiến hành lấy nước cho ao. Khi dẫn nước vào ao, phải dùng lưới chắn để ngăn cá tạp và địch hại. Lượng nước trong ao phải đạt độ sâu từ 1,5 – 2m.

– Tiếp theo, dùng phân chuồng (heo, gà, bò) hay phân NPK, urê để gây màu nước. Với phân chuồng, có thể dùng với liều lượng 25 – 30kg/100m2 ao, với NPK và urê thì dùng với liều lượng 300g NPK + 200g urê/100m2 ao. Khi nước có màu xanh nõn chuối là lúc ao đã sẵn sàng để thả cá giống.       

Và trên đây là hướng dẫn của Bình An về cách xây dựng ao nuôi cho cá tra thương phẩm. Quý vị có nhu cầu về các sản phẩm liên quan đến cám viên cho cá tra thì có thể tham khảo tại đây.

Chúc quý vị chăn nuôi thành công!

Gọi ngay
Gọi Ngay